94% cặp đôi hạnh phúc đều áp dụng nguyên tắc này khi quản lý tiền bạc
Bất đồng tài chính là một trong hai nguyên nhân lớn nhất dẫn tới ly hôn. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ ảnh hưởng tới gia đình bạn nếu bạn áp dụng 5 nguyên tắc này.
Bạn có biết rằng cứ 3 cặp vợ chồng ly hôn thì có 2 cặp từng tranh cãi về tiền bạc? Theo nghiên cứu của Sonya Britt - Phó giáo sư nghiên cứu gia đình và dịch vụ nhân sinh đại học Kansas: những cuộc tranh cãi về tiền bạc là yếu tố dự báo hàng đầu về ly hôn.
Khi làm việc với các chị em và cặp vợ chồng, Phương nhận thấy nhiều người đang mang những quan niệm lệch lạc về quỹ chung như:
Tiền phải do một người giữ.
Vợ chồng phải đóng góp 50-50.
Đã chung quỹ thì không ai được giữ tiền riêng.
…
Những định kiến này không chỉ tạo ra áp lực không cần thiết, mà còn là nguồn gốc của nhiều mâu thuẫn tiềm ẩn. Bởi thực tế, chìa khóa của hạnh phúc gia đình không
nằm ở việc có bao nhiêu tiền, mà là cách chúng ta quản lý và đối thoại về nó.
Bản tin trước, mình đã chia sẻ về những lợi ích và bất cập của hai lựa chọn Qũy chung quỹ riêng khi quản lý tài chính gia đình với những góc tiếp cận khác nhau.
Trong bản tin này, Phương muốn chia sẻ 5 nguyên tắc vàng trong quản lý quỹ chung đã giúp nhiều gia đình xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, và quan trọng hơn - giúp họ tìm thấy sự cân bằng giữa độc lập tài chính và gắn kết trong hôn nhân.
Nguyên tắc 1: Minh bạch là nền tảng của niềm tin
Bạn biết không, mình vẫn nhớ như in cái ngày mình lén lút xem tin nhắn số dư tài khoản trong điện thoại chồng. Với trái tim loạn nhịp, mình có cảm giác như tên trộm trong chính ngôi nhà của mình vậy. Khi bị phát hiện, mình đã rất xấu hổ. Và chính câu chuyện này đã thay đổi góc nhìn của mình về sự minh bạch trong hôn nhân.
Minh bạch tài chính thực sự là gì?
Chắc chắn một điều, minh bạch tài chính không phải làm xâm phạm quyền riêng tư của nhau, giám sát hay theo dõi từng hành động hay chi tiêu của người kia (giống như cách mình đã làm).
Đơn giản thôi, minh bạch tài chính là:
Thẳng thắn chia sẻ về thu nhập, chi tiêu, các trách nhiệm tài chính của mình (như có trách nhiệm hỗ trợ cha mẹ, hay các khoản nợ hiện tại,...)
Thẳng thắn chia sẻ về các khoản nợ hay tài sản của mình.
Cùng vạch ra kế hoạch chi tiêu và theo dõi ngân sách gia đình
Quyền truy cập vào tài khoản chung và thông tin tài chính quan trọng.
Cùng nhau bàn bạc, lên kế hoạch về những khoản chi tiêu lớn - như mua nhà, mua xe hay đầu tư.
Tại sao minh bạch lại quan trọng đến vậy?
Trong bất cứ mối quan hệ nào, minh bạch, rõ ràng cũng là điều kiện đầu tiên để tạo sự tin tưởng. Nếu coi những mâu thuẫn, bất đồng tài chính trong gia đình là một căn bệnh, thì minh bạch chính là vaccine phòng căn bệnh này.
Một khách hàng của mình, trước đó thường than phiền hai vợ chồng không có mục tiêu tài chính chung, tiền chồng đưa chỉ đủ chi tiêu chứ không có dư. Từ khi chị áp dụng minh bạch tài chính với chồng thông qua những buổi Money date hàng tuần, hôm trước chị đã khoe: “Bây giờ mỗi tháng anh đưa chị thêm 5 triệu, bảo là để vợ tiết kiệm, đầu tư cho quỹ hưu trí.”
Nguyên tắc 2: Công bằng không có nghĩa là chia đôi mọi thứ
Bạn biết không, mình từng gặp rất nhiều cặp vợ chồng trẻ nghĩ rằng "công bằng" là mỗi người phải đóng góp 50-50 vào mọi chi phí. Nhưng thực tế, cuộc sống đâu có đơn giản như phép tính toán học, phải không?
Hãy nhìn vào cặp vợ chồng trẻ khi người vợ quyết định nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ. Dù không đem về thu nhập bằng tiền, nhưng sự chăm sóc, hiện diện với con trong những năm tháng đầu đời, những đêm thức trắng khi con ốm, không khi yêu thương, an toàn, ấm áp trong gia đình đều là những đóng góp vô giá mà không thể đong đếm bằng con số.
Theo nghiên cứu về phúc lợi gia đình và phúc lợi tại viện nghiên cứu quốc tế Stavanger, công bằng, bình đẳng theo tiêu chuẩn mới không chỉ là độc lập về kinh tế, mà còn là phân công chăm sóc con cái, gia đình.
Vậy công bằng thực sự là gì?
Công bằng là khi chúng ta nhìn nhận và trân trọng mọi hình thức đóng góp, dù là tiền bạc hay công sức chăm sóc gia đình.
Một chị trước đây thường tâm sự với mình trong các buổi huấn luyện: cảm thấy vợ chồng như bạn sống cùng phòng, cái gì cũng chia đôi dù thu nhập của anh cao hơn của chị.
Sau những buổi huấn luyện, thay vì chia đôi cứng nhắc, anh chị đã áp dụng nguyên tắc mới: mỗi người giữ lại 30% thu nhập cho chi tiêu cá nhân, 70% còn lại đóng góp vào quỹ chung để lo cho gia đình. Và điều này đã giúp anh chị bước đầu xây dựng được quỹ dự phòng chung, và tiến tới là những mục tiêu tài chính lớn hơn.
Đây mới chính là tinh thần của sự công bằng - nơi mọi người đều cảm thấy được tôn trọng và trân trọng những đóng góp của nhau.
Nguyên tắc 3: Luôn có khoản tự do cá nhân dành cho mỗi người ( vợ và chồng)
Nhiều người nghĩ rằng, khi kết hợp quỹ chung, tất cả thu nhập sau khi nhận lương cần phải gộp chung và do một người (vợ/ chồng) quản lý.
Tuy nhiên, có một sự thật là: trong công việc, chúng ta cần: giao lưu, quan hệ, kết nối với khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè.
Để nâng cao chuyên môn, chất lượng cuộc sống, chúng ta cũng cần học tập, phát triển bản thân, hoặc duy trì một sở thích của mình ( có thể là tập thể thao, một bộ môn nghệ thuật,…).
Vì vậy, quỹ tự do cá nhân là cần thiết để duy trì, và phát triển cho cá nhân.
Để cân bằng giữa việc phát triển cá nhân, công việc, nhưng không lạc lối trong việc tiêu xài quá nhiều so với điều kiện gia đình, tốt nhất, mỗi gia đình nên có ngân sách cho khoản này.
Ví dụ, quỹ cá nhân có thể tính theo tỷ lệ 10-20% thu nhập.
Nguyên tắc 4: Cùng nhau thiết lập mục tiêu và kế hoạch tài chính cho gia đình.
Jim Rohn từng nói:
“Nếu không có mục tiêu, thì chúng ta chẳng biết đi về đâu cả.”
Thật vậy, trong quản lý tài chính gia đình, khi có mục tiêu chung, không chỉ tiền bạc được quản lý tốt hơn, mà còn giúp cả hai vợ chồng trở nên có trách nhiệm và gắn kết hơn.
Theo nghiên cứu của Ramsey Solution, 94% các cặp đôi hạnh phúc chia sẻ rằng họ thường xuyên chia sẻ với nhau những ước mơ, và cùng xây dựng mục tiêu tài chính.
Vậy làm thế nào để thiết lập mục tiêu tài chính gia đình một cách hiệu quả?
Bước 1: Dành thời gian "hẹn hò tài chính" - có thể là buổi tối cuối tuần, khi con đã ngủ, hai vợ chồng cùng nhau trò chuyện về những ước mơ, dự định.
Bước 2: Viết ra tất cả mục tiêu - từ ngắn hạn (như mua xe, du lịch) đến dài hạn (như mua nhà, học hành cho con, quỹ hưu trí).
Bước 3: Sắp xếp thứ tự ưu tiên - điều gì quan trọng và cấp thiết nhất với gia đình trong giai đoạn hiện tại?
Bước 4: Lập kế hoạch chi tiết - cần bao nhiêu tiền, tiết kiệm trong bao lâu, và nguồn tiền sẽ đến từ đâu?
Mục tiêu tài chính không chỉ là con số, mà là những ước mơ chung của cả gia đình. Và khi cả hai vợ chồng cùng nắm tay nhau đi về một hướng, con đường đó sẽ không bao giờ là quá xa.
Nguyên tắc 5: Linh hoạt, thích ứng
Khi tư vấn, Phương thường nhận được một câu hỏi rất thú vị: "Phương ơi, kế hoạch tài chính gia đình nên thay đổi/ cập nhật bao lâu một lần?"
Câu trả lời của mình luôn là: Bạn không cần quá cứng nhắc về thời gian. Tài chính gia đình giống như một dòng chảy vậy. Thậm chí, nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố vĩ mô bên ngoài mà chúng ta không thể nắm bắt như tình hình nền kinh tế thay đổi dẫn tới thu nhập thay đổi,…. Việc của chúng ta là trang bị tư duy và luyện tập kỹ năng quản lý tài chính để sẵn sàng để ứng biến theo dòng chảy đó.
Những thay đổi khiến chúng ta cần linh hoạt thích ứng, ví dụ như:
Mục tiêu tài chính cá nhân và gia đình thay đổi.
Thay đổi thu nhập ( tăng hoặc giảm thu nhập).
Ưu tiên tài chính thay đổi ( khi có con ưu tiên sẽ khác với khi mới cưới).
Thay vì cố bám víu vào một kế hoạch cứng nhắc, bạn hãy :
Luôn giữ một "phao cứu sinh" - quỹ dự phòng cho những biến cố bất ngờ.
Chủ động trong chi tiêu, thường xuyên rà soát và điều chỉnh các khoản theo thứ tự quan trọng.
Cùng bạn đời bàn bạc về những khó khăn, cơ hội tài chính.
Sẵn sàng cắt giảm những chi tiêu không cần thiết khi cần.
Và đừng quên điều quan trọng nhất: Một kế hoạch tài chính tốt không phải là kế hoạch hoàn hảo, mà là kế hoạch biết thích nghi với hoàn cảnh của gia đình bạn.
Kết luận:
Hành trình xây dựng nền tảng tài chính gia đình không phải là về những con số, mà là về niềm tin, sự tôn trọng và thấu hiểu. Năm nguyên tắc quản lý quỹ chung Phương chia sẻ ở trên được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi này.
Phương mong bạn hiểu rằng: chúng ta có những nguyên tắc chung. Nhưng khi áp dụng vào mỗi gia đình là một bài toán riêng không hề giống nhau với những cơ hội, thách thức khác nhau. Vì vậy, người giải đề cần luyện tập và áp dụng những kỹ năng phù hợp nhất để giải bài toán của gia đình mình.
Bạn lựa chọn hành động nào làm ngay hôm nay:
Dành 30 phút tối nay để trò chuyện với người bạn đời về tương lai tài chính của gia đình.
Chọn một trong nguyên tắc trên để áp dụng, cải thiện ngay trong tuần này.
Lên lịch "hẹn hò tài chính" định kỳ mỗi tháng với người bạn đời.
Nếu bạn thấy những chia sẻ này hữu ích, hãy đăng ký bản tin và chia sẻ bài viết để nhiều gia đình khác cũng có thể xây dựng nền tảng tài chính vững vàng, thịnh vượng. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng.